“
Chúng ta đã biết cafe chồn (hay Kopi Luwak) được làm ra từ thứ gì - chính là phân của loài chồn hương (hay cầy vòi đốm). Đồng thời, đây cũng luôn được xếp là một trong những loại thực phẩm xa xỉ, chỉ dành cho giới nhà giàu mà thôi.
Cafe chồn được đánh giá là rất ngon, với vị đắng cực kỳ đặc trưng. Nguyên do đến từ các enzyme trong dạ dày của chồn hương sẽ khiến hạt cafe mất đi các đặc tính tự nhiên, mà thay bằng hương vị hết sức tinh tế mà nhẹ nhàng hơn, cực kỳ hấp dẫn người uống.
Nhưng thứ khiến cafe chồn trở thành xa xỉ phẩm không chỉ là hương vị, mà còn vì quy trình để làm ra nó nữa.
Ở đây, chúng ta sẽ không nói đến khía cạnh đạo đức ở các khu nuôi chồn công nghiệp, mà chỉ đề cập đến quy trình làm ra cafe chồn theo cách truyền thống và hoang dã nhất mà một số trang trại nổi tiếng đang áp dụng.
Một phương pháp cực kỳ vất vả, nhưng bù lại là tính nhân văn cao, đồng thời đẩy giá trị cafe chồn lên hàng đắt bậc nhất thế giới.
Có lẽ bạn cũng biết chồn hương là một loài họ mèo khá nhỏ và sống về đêm. Chế độ ăn của chồn hương cũng khá đa dạng, chứ không phải chỉ có quả cafe.
Nêu vậy để thấy rằng những bãi phân chồn trong tự nhiên không phải lúc nào cũng có hạt cafe trong đó. Khi người Indonesia tìm ra loại cafe này, họ chỉ có thể thu nhặt hạt cafe một cách thủ công, lùng sục... từng bãi phân một, đào bới một cách hết sức vất vả.
Điều này cũng đồng nghĩa rằng lượng cafe chồn nếu thu thập theo cách truyền thống là cực kỳ giới hạn. Ngày nay, một số trang trại hiện đại cũng nuôi chồn theo phương pháp thả tự nhiên, đeo thêm hệ thống định vị GPS cho từng con để dễ thu thập phân hơn, nhưng sản lượng cũng rất hạn chế.
Ước tính, nguồn cung cafe chồn theo phương pháp truyền thống ra thế giới là cực kỳ ít ỏi - chỉ rơi vào khoảng 300 - 400kg/năm mà thôi.